Văn hóa Lập Thạch

Lễ hội

Lập Thạch là vùng đất có nhiều truyền thống văn hóa của tỉnh Vĩnh Phúc[4]. Những dấu ấn tín ngưỡng nguyên thủy của cư dân bản địa qua lịch sử lâu dài hiện nay còn xuất hiện với mật độ dày đặc trong huyện, như như lễ "bắt chạch trong chum", "leo cầu" tại làng Thạc Trục (nay thuộc thị trấn Lập Thạch); "nghi lễ cầu đinh", "cầu tế nõ nường" tại xã Đức Bác; tục "đá cầu", "cướp phết" tại xã Bàn Giản[8] biểu hiện tín ngưỡng phồn thực rõ rệt; lễ hội xuống đồng của người Cao Lan cầu mưa thuận gió hòa và mùa màng tươi tốt... Bên cạnh những phong tục, lễ hội cổ sơ đó là những kiến trúc nổi tiếng như đình Sen Hồ, đền thờ Trần Nguyên Hãn.

Trước khi Sông Lô tách thành huyện riêng, toàn huyện Lập Thạch có ít nhất 22 làng, thôn thờ tới 79 vị thần núi, thần sông với nhiều tín ngưỡng cổ thờ thần đá, thần cây, thần sông, thần núi... một vài nơi còn tồn tại việc thờ cúng các vật tính giao, một loại hình tín ngưỡng cũng rất cổ. Lập Thạch có trên 100 di tích lịch sử văn hóa ở khắp các xã, thị trấn, trong đó có 25 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh[9], có mật độ dày nhất tỉnh Vĩnh Phúc[4].

Ẩm thực

Miếng đất sét trên đồi có thể ăn được trong tay một bà cụ

Là một vùng bán sơn địa trước kia thường có một mùa nước ngập đồng chiêm, thủy sản nước ngọt đặc biệt là các loại cá khá phong phú nên Lập Thạch có đặc sản cá thính được nhiều người biết đến.

Về các loại bánh, Lập Thạch nổi tiếng với món bánh nẳng (có nơi còn gọi là bánh gio) tại vùng Đôn Nhân, và bánh gạo rang ngon nổi tiếng tại xã Tiên Lữ qua câu tục ngữ bánh nẳng chợ Tràng, bánh gạo rang Tiên Lữ[10]. Bên cạnh đó là bánh làm từ các loại khoai phơi khô, có câu khoai Đồng Mái, gái Đình Chu. Bánh nẳng dùng gạo nếp cái hoa vàng ngâm trong nước nẳng. Nước nẳng (nước gio) được các bà, các mẹ dùng cành xoan tươi, cành bưởi tươi (cả lá), trã vừng, lá si, tầm gửi cây dọc đem đốt lấy gio, hòa vào nước và gạn nước trong đem ngâm gạo một đêm. Sau đó vớt gạo ra gói trong lá chít đã luộc và rửa sạch. Luộc chín bánh và vớt ra ăn với mật mía, mật ong.

Nổi tiếng ngang với bánh nẳng chợ Tràng là món bánh gạo rang của người Tiên Lữ, trước kia thường được làm để cúng thần ngày tiệc làng, lễ tết, và làm quà biếu đặc sản của địa phương. Gạo nếp cái hoa vàng ngâm trong nước quả dành dành, ruột cỏ bấc đèn, cây giáy, tro cây vừng trong vài ngày sau đó vớt gạo đồ xôi. Khi xôi chín trộn với mỡ lợn và trải ra nia đập cho xôi bẹp ra, đem phơi thật khô, sau đó lại trộn mỡ lợn vào xôi khô và rang nở bung. Dùng mật mía đun sôi trộn đều với gạo rang nở và đem đổ ra mâm, lèn, cán chặt trước khi cắt thành từng miếng bánh to nhỏ tùy ý.

Đặc biệt, có món ăn đặc trưng của Lập Thạch đã trở thành "chuyện lạ Việt Nam" như phong tục ăn đất sét hun khói[11]. Đất sét non mịn được lấy từ độ sâu chừng 15–20 m dưới mặt đất gọi là "giếng đất", hoặc chừng 4–5 m dưới mặt đất gọi là "hầm đất". Những tảng đất mới lấy to chừng 5-6 cm3, màu xám tro, có vệt nâu đỏ, mịn, mềm, không sạn, nặng mùi bùn, được nướng cùng với lá sim và lá chè cay cho đến khi chúng chuyển sang màu vàng sẫm và khét mùi thơm. Khi đó những miếng đất hun được gọi là "ngói" và trở thành món ăn vặt ngon lành hay những món quà chợ để biếu nhau. Thịnh hành từ xa xưa và hiện nay nhiều nơi trong huyện vẫn còn được chế biến, tục ăn đất sét của người dân Lập Thạch, theo nghiên cứu của tiến sĩ Lê Nhâm Tuyết, có từ phong tục "việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu" thuở Hùng Vương dựng nước.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lập Thạch http://www.dulichtet.com/lehoi_chitiet.php?newsID=... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/xahoi/2007/... http://www.vinhphuc.gov.vn/lapthach/lapthach/dktn/... http://www.vinhphuc.gov.vn/lapthach/lapthach/vh/03... http://www.vinhphuc.gov.vn/lapthach/lapthach/vh/da... http://www.vinhphuc.gov.vn/lapthach/lapthach/vh/mo... http://www.vinhphuc.gov.vn/tag.1381d88ce295fe38.re... http://www.vinhphuc.gov.vn/tag.2f09540d9abd57c9.re... http://www.vinhphuc.gov.vn/tag.42609b4d6f3bed28.re...